Yahoo một thời bùng nổ, liệu có còn?

Yahoo một thời bùng nổ, liệu có còn? Đó là câu hỏi được đặt ra trước sự già cỗi, không đổi mới của Yahoo trong những năm qua.

CEO Yahoo Marissa Mayer
CEO Yahoo Marissa Mayer
Yahoo từng được xem là biểu tượng của Internet khi đạt giá trị 128 tỷ USD vào năm 2000, chỉ sau 5 năm thành lập. Đầu những năm 2000, khi Internet bắt đầu phổ biến tại Việt Nam thì người dùng cũng có thói quen cứ bật máy nối mạng là đăng nhập ngay vào Yahoo! Messenger (YIM) để chat. Cơn nghiện chat diễn ra khắp nơi, từ công sở, văn phòng về nhà tràn ra các phòng game online, tiệm dịch vụ Internet. Trào lưu “chat chit” bằng YIM kéo theo dịch vụ thư điện tử Yahoo! Mail được đón nhận một cách tự nhiên cũng như Yahoo! Search được sử dụng để tìm kiếm trên Internet, tiếp đó là mạng xã hội với dịch vụ Yahoo! 360 sớm được mở ra làm dấy lên trào lưu ăn ngủ cùng blog. Thời đó, hầu như mọi người dùng Internet ở Việt Nam đều có tài khoản Yahoo.

Nhưng rồi cỗ máy tìm kiếm Google nhanh chóng vươn lên thành người khổng lồ chiếm gần hết mảnh đất tìm kiếm hoang sơ nhưng màu mỡ ít ai ngờ. Đồng thời Gmail cũng chinh phục được người dùng với phong cách giản dị, tươi mới, tiện dùng. Cùng với đó Facebook nổi lên, kết nối mọi người, tạo điều kiện dễ dàng hơn hẳn cho người dùng chia sẻ thông tin, hình ảnh, cập nhật tức thời tin tức từ các thành viên khiến người dùng dần quên đi các mạng xã hội khác, trong đó có Yahoo. Kết quả là Yahoo bị các đối thủ lấn lướt, dần bị người dùng bỏ rơi.

Để đối phó, Yahoo xoay xở, tạo ra cổng thông tin đa năng, ôm đồm đủ thứ, tích hợp cả loạt dịch vụ từ mail, chat, cho tới blog và trang tin điện tử tổng hợp, nhưng vẫn không thuyết phục được người dùng. Những năm gần đây cái tên Yahoo lại càng mờ nhạt trong khi các đối thủ đều dốc sức cho cuộc đua quảng cáo trên di động, thị phần quảng cáo trực tuyến là mảng kinh doanh chính của Yahoo ngày càng lép vế trước các đối thủ quá mạnh như Google và Facebook.

CEO Marissa Mayer và bài toán cắt giảm nhân lực

Yahoo thực sự rơi vào khủng hoảng, và Marissa Mayer xuất hiện vào mùa hè năm 2012 với sứ mệnh đưa Yahoo trở lại thế giới Internet sôi động. Người đàn bà quyền lực một thời ở Google được kỳ vọng sẽ giúp Yahoo cắt giảm chi phí, tái tổ chức để cứu công ty. Tuy nhiên, ngay sau khi nắm quyền CEO Mayer lại hủy bỏ kế hoạch của ban giám đốc sa thải 1/3 số nhân viên, thay vào đó bà áp dụng hệ thống đánh giá nhân viên bằng điểm số, và chỉ sa thải số ít những người làm việc không hiệu quả có điểm số thấp. Thế nhưng, hệ thống đánh giá do Mayer xây dựng để chấm điểm qua việc so sánh và xếp hạng giữa các nhân viên lại gây tác động tiêu cực tới tinh thần làm việc nhóm, kết cục không được nhân viên ủng hộ.

Hồi giữa tháng 2, Business Insider dẫn nguồn tin đáng tin cậy thân cận với Yahoo cho biết, CEO Mayer bắt đầu mở chiến dịch cắt giảm nhân sự của nhiều bộ phận để giảm chi phí trong nỗ lực đổi mới nhằm định hướng lại phương thức hoạt động, giúp Yahoo có thể tiếp tục phát triển. Đối tượng mất việc là các nhà quản lý sản phẩm, dự án và thiết kế. Thực tế việc cắt giảm chi phí đã được Yahoo tiến hành suốt năm qua. Yahoo đã đóng cửa văn phòng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhiều dịch vụ không còn được duy trì và nhân viên buộc phải ra đi.

Tập trung cho di động

Kể từ khi nắm chức CEO của Yahoo vào tháng 7/2012, Mayer liên tục “vung” tiền thâu tóm hàng chục công ty khởi nghiệp công nghệ (startup), để rồi nhanh chóng dẹp bỏ các dịch vụ đầy hứa hẹn của các startup này. Động thái bất thường này của Mayer dường như là để sở hữu nhân tài và công nghệ của các startup mới nổi, thay vì tiếp tục phát triển các dịch vụ được cho là có nhiều triển vọng sau khi Yahoo sở hữu chúng. Cùng lúc Yahoo dưới thời Mayer còn thâu tóm những công ty lớn, như chi ra tới 1,1 tỷ USD để có được mạng xã hội Tumblr nhằm tăng thanh thế cho thương hiệu và lượng khách hàng mới. Tuy nhiên, cho đến nay các vụ thâu tóm vẫn chưa đem lại kết quả khả quan trong kinh doanh, và các cổ đông dường như không còn đủ kiên trì để chờ đợi.

Doanh thu mảng di động của Yahoo dù đã có tiến triển trong hai quý nửa cuối năm 2014 nhưng tình hình xem ra vẫn chưa mấy sáng sủa khi tổng doanh thu vẫn tiếp tục trì trệ. Quý 3 doanh thu mảng di động đạt hơn 200 triệu USD, sang quý 4 khá hơn, với 254 triệu USD, chiếm hơn một phần năm trong tổng doanh thu 1,18 tỷ USD (đã trừ ra phần trả hoa hồng cho các đối tác quảng cáo).

Mayer vẫn tự tin với chiến lược thâu tóm các công ty khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực di động, nổi bật trong số đó là thương vụ 300 triệu USD mua lại công ty phân tích Flurry đem đến tiềm năng có thể giúp Yahoo trở thành một trong những mạng lưới quảng cáo di động cho hàng tỷ người sử dụng. Mayer cho rằng chiến lược kinh doanh hiện tại của Yahoo là đúng đắn, và công ty sẽ đạt mức tăng trưởng kỳ vọng từ mảng kinh doanh dịch vụ thông tin di động, quảng cáo tự nhiên, qua mạng xã hội, và video.

Không có điện thoại, cũng chẳng có hệ điều hành riêng làm nền tảng cho thiết bị di động, Yahoo đang tìm cách ve vãn các nhà phát triển để mở rộng việc cung cấp quảng cáo cho di động. Công ty mới công bố một bộ công cụ miễn phí, gồm một bảng điều khiển phân tích và một dịch vụ tìm kiếm trong ứng dụng, nhằm giúp các nhà phát triển ứng dụng di động kiếm tiền, mang lại triển vọng đẩy mạnh việc bán quảng cáo trên nhiều ứng dụng của bên thứ ba và chia sẻ lợi nhuận với họ.

Tình thế bấp bênh

Theo các nhà phân tích, Mayer rất có thể sẽ tiếp tục mua các startup mới nổi nhờ khoản tiền mặt 6 tỷ USD từ bán cổ phần trong đợt IPO của Alibaba lập kỷ lục trên sàn chứng khoán tại Mỹ vào tháng 9 năm ngoái. Yahoo hiện còn nắm giữ 15,4% số cổ phiếu của Alibaba, và hôm 27/1 vừa qua Mayer tuyên bố Yahoo sẽ lập một công ty riêng để quản lý số cổ phiếu này. Công ty mới có tên SpinCo sẽ là công ty niêm yết đại chúng, giá trị khoảng 40 tỷ USD. Kế hoạch chuyển đổi này là nhằm đem lại giá trị cho cổ đông trước sức ép của các nhà đầu tư lớn.

Thế nhưng mức vốn hóa thị trường của Yahoo cuối tháng 2 là khoảng 42 tỷ USD, trong khi đó Yahoo còn có khoản đầu tư 7 tỷ USD tại Yahoo Nhật Bản. Do đó, mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo có doanh thu chủ yếu từ quảng cáo tìm kiếm và hiển thị xem như được thị trường định giá âm (dưới 0 USD). Điều đó có nghĩa là sau chia tách công ty từ số cổ phần tại Alibaba, Yahoo sẽ trở thành một công ty nhỏ bé và có thể là đích nhắm thâu tóm từ công ty khác. Thậm chí công ty tư vấn đầu tư Starboard Value đã hiến kế sáp nhập mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo vào AOL. Thời hoàng kim đã qua từ lâu và Yahoo vẫn đang chật vật tìm cách trụ lại trong thế giới Internet cạnh tranh khốc liệt.

Và nếu cứ như thế này có thể đến một ngày nào đó trong tương lai gần chúng ta sẽ không còn thấy sự hiện của Yahoo nữa.

PC World VN, 03/2015

Từ khóa:
Yahoo, Yahoo 360, Yahoo! Messenger, Yahoo Mail
LIKE and Share this article: :
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét